CHỈ CÓ LÀM BẰNG CÁI “TÂM” THÌ MỚI CÓ THỂ VƯƠN TỚI CÁI “TẦM” !

Heart money illustration plv

Ông cha ta từ xưa đã quan niệm rằng: “Đạo đức là gốc rễ của mọi thành bại trong cuộc sống”, dù làm bất kì công việc gì phải có đạo đức mới lâu bền. Trong chữ “đức” cũng bao hàm cả chữ “tâm”, tức muốn dạy ta làm việc bằng cả con tim, suy nghĩ bằng cả con tim và học cách cho đi cũng bằng cả con tim. Người doanh nhân lại càng phải thấm nhuần đạo lý này, chỉ nghĩ tới lợi ích khi lãnh đạo doanh nghiệp thì sẽ sớm chạm vào chữ “tận” còn nếu đặt tâm đức mới được mọi người nể trọng, đề cao.
Ta vẫn biết kinh doanh bản chất chính là làm giàu. Nhưng việc làm giàu như thế nào chính là vấn đề ta cần bàn tới. Làm giàu hợp pháp và mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp là điều đáng trân trọng. Việc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả, làm trái với đạo đức, pháp luật chỉ tạo ra những rủi ro đáng tiếc cho mình và khách hàng mà thôi.
Như Phật đã dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo” tức “Mọi việc đều do tâm sinh ra”. Mọi lẽ thiện ác đều từ do “tâm” mà ra. “Tâm” điều khiển hành động. Tâm tốt sẽ có hành động lương thiện tạo ra thiện hạnh, tâm xấu thúc đẩy lòng tham, sự ích kỉ, sân si. Cuộc đời sống có lương thiện hay xấu xa, sẽ trở nên hạnh phúc hay đau khổ cũng do “tâm” định đoạt.
Chữ “tâm” hay đạo đức trong kinh doanh mang lại sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, không có rủi ro cho chính bản thân doanh nghiệp và khách hàng. Lừa dối khách hàng là điều tối kị khi kinh doanh. Quảng cáo như “thỏi nam châm” giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng, nhưng đừng vì thế mà lạm dụng nó. “Giá trị ảo” có thể giúp doanh nghiệp lấy lòng khách hàng, giúp khách hàng tìm đến và dùng thử sản phẩm của doanh nghiệp nhưng không thể giữ chân khách hàng nếu họ có trải nghiệm không tốt. Điều này không đơn giản khiến doanh nghiệp bị mất lòng tin nơi khách hàng mà còn có thể gây ra hậu quả khôn lường. Chiêu trò “lấy lòng” khách hàng chỉ thực sự có ích khi sản phẩm của bạn đủ tốt và mang tới giá trị thực sự cho khách hàng.
Doanh nghiệp luôn đảm bảo cung cấp sản phẩm tốt nhất giúp sản phẩm được thị trường đón nhận và tiêu thụ bền vững. Việc đạp lên khách hàng để với tới lợi nhuận, sẵn sàng cung ứng ra thị trường sản phẩm kém chất lượng chỉ để lại trong tâm trí người tiêu dùng ấn tượng không tốt về doanh nghiệp. Điều này làm cho doanh nghiệp tự đẩy mình vào thế bị tẩy chay và có thể bị đào thải ra khỏi hệ thống thị trường tự do vốn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt và không tương nhượng.
Việc xây dựng giá trị thật cho thương hiệu luôn phải đặt lên hàng đầu. Như Howard Schultz – CEO của Starbucks đã nói “Trong bối cảnh mà xã hội thay đổi không ngừng thì những thương hiệu tồn tại lâu dài là những thương hiệu được tạo dựng từ trái tim – điều đó khiến chúng bền vững và chân thật hơn. Những công ty này cũng mạnh hơn vì họ xây dựng thương hiệu dựa trên chính tâm hồn của con người, không phải từ những quảng cáo. Những công ty đúng nghĩa sẽ là những công ty tồn tại lâu dài.”
Trong khi nghiên cứu để bắt tay vào sản xuất, doanh nghiệp cần đặt câu hỏi: “Tại sao khách hàng muốn mua sản phẩm của bạn?”, doanh nghiệp sẽ nhận ra giá trị của sản phẩm là điều mà khách hàng quan tâm hơn cả. Hiểu khách hàng bằng cách mang lại cho khách hàng các giá trị đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thực tiễn cuộc sống, giúp sản phẩm của doanh nghiệp chiếm được chỗ đứng trong thị trường.
Khách hàng không bao giờ tồn tại đơn lẻ. Phía sau mỗi khách hàng sẽ có bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, thậm chí là cả cộng đồng mạng. Vì vậy, khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng phải đặt cả cái tâm rằng mình không chỉ đang phục vụ cho một người mà là rất nhiều người, nếu mình làm không tốt thì có thể sẽ thất bại ngay lập tức. Khi khách hàng hài lòng thì sản phẩm mới được chia sẻ với nhiều người xung quanh. “Hiệu ứng truyền miệng” của khách hàng là con đường nhanh nhất dẫn tới sự thành công của doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp muốn có được điều này, chỉ có một cách duy nhất là trau chuốt chất lượng sản phẩm.
Chữ “tâm” trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc mang lại giá trị cho khách hàng mà rộng hơn nữa là mang lại giá trị cho cả cộng đồng, cả xã hội. Khi doanh nghiệp đã đạt tới một tầm cao nhất định và dư dả về lợi nhuận thì nên suy nghĩ tới việc đóng góp cho xã hội. Ngày càng có nhiều tỷ phú, triệu phú hay thành công trong kinh doanh thành lập những quỹ từ thiện, thực hiện các chương trình vì cộng đồng giúp chúng ta thấy rằng kiếm tiền không phải mục đích cuối cùng của việc kinh doanh. Mà mục đích cuối cùng hướng tới là tạo ra của cải vật chất để giúp đỡ xã hội.
Khi đã nhận thức đúng về giá trị của đồng tiền sẽ giúp chúng ta không rơi vào “hố sâu” của sự tham lam. Quả thật, chúng ta luôn cần tiền để thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống. Nhưng thực chất chúng ta có thể giới hạn được nhu cầu của bản thân. Hãy học cách cho đi để nhận lại. Khi đó, bản thân mỗi người sẽ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.
Tựu chung lại, doanh nghiệp muốn phát triển, doanh nhân muốn thành công trước hết cần đề cao tâm mình. Đừng quá ưu tư về lợi ích, tiền bạc, quyền uy, hay danh tiếng. Vì chỉ cần nỗ lực kinh doanh, đem lại giá trị cho cuộc sống thì ắt hẳn mỗi vị doanh nhân sẽ đạt được tới cái “tầm” mà mình mong muốn !

Nguồn: Sưu tầm.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x